Khi bị chảy máu mũi, cần xử lý ra sao?


Nhiều người bị chảy máu cam vẫn nghĩ do thời tiết, hoặc bệnh về mũi. Các chuyên gia cho biết, chảy máu cam có thể là dấu hiệu cảnh báo biến chứng của bệnh cao huyết áp – “kẻ giết người thầm lặng”.




Cán bộ y tế đo huyết áp, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Ảnh: TL

Phát hiện tăng huyết áp chỉ sau lần chảy máu cam

Ông T.Đ.C (55 tuổi, ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vốn có thể trạng gầy yếu. Thời gian gần đây, thỉnh thoảng ông bị chảy máu cam. Lo lắng não có vấn đề, ông đi khám thì tá hoả phát hiện, ông bị cao huyết áp mà không hề hay biết. Bác sĩ giải thích, cao huyết áp là nguyên nhân khiến ông bị đổ máu cam chứ không phải do vấn đề ở… não.

Một trường hợp khác là anh T.N.A (40 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội). Sau giấc ngủ tối, anh bỗng phát hiện chảy máu cam đầm đìa, điều chưa từng xảy ra trước đó. Nghĩ có bệnh đường tai mũi họng do anh có tiền sử viêm mũi dị ứng, anh đã đi khám và bất ngờ phát hiện bị cao huyết áp, với mức 170/120mgHg.

TS Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, chỉ số huyết áp bình thường ở dưới ngưỡng 140/90mmHg. Nếu vượt quá ngưỡng này được gọi là tăng huyết áp. Khi huyết áp tăng dẫn đến áp lực thành mạch tăng, có thể dẫn đến nứt vỡ thành mạch, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Xuất huyết não, suy tim, bóc tách thành động mạch chủ, xuất huyết đáy mắt gây mù vĩnh viễn…

Trong trường hợp của anh T.N.A, huyết áp tăng khá cao, có thể xảy ra nhiều tai biến nguy hiểm, tình trạng chảy máu mũi mới chỉ là một biến chứng nhẹ, do các điểm mạch trong mũi bị nứt vỡ gây chảy máu. Trong trường hợp này các bác sĩ vừa phải tiến hành dùng thuốc đưa huyết áp trở về bình thường, vừa phải điều trị chảy máu mũi. Nếu huyết áp đã được khống chế mà máu mũi vẫn chảy thì phải xem xét các bệnh về máu.

Sau biến chứng này, các bệnh nhân càng phải thận trọng nhiều hơn với huyết áp của mình, phải đi khám bệnh và dùng thuốc hạ áp đầy đủ, đúng chỉ định, không bỏ thuốc vì nhiều người khi thấy huyết áp ổn, nghĩ bệnh đã khỏi. Bệnh nhân cũng phải kiểm tra huyết áp hằng ngày, ăn nhạt và ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, tập luyện đi bộ hằng ngày.

Vì sao lại chảy máu mũi?

ThS.BS Nguyễn Quang Tú, chuyên khoa Mũi xoang (Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM) cho biết, nguyên nhân gây ra bệnh chảy máu mũi là do những khối u (ung thư vòm, mũi xoang, u xơ vòm, u mạch máu), dị vật sống chui vào mũi, sỏi mũi lâu ngày làm tổn thương niêm mạc. Ngoài ra, những chấn thương trong lúc ngoáy mũi, bị đánh hay tai nạn, viêm mũi dị ứng, viêm xoang... cũng là nguyên nhân gây chảy máu mũi.

Đặc biệt, nhiều người, nhất là người cao tuổi dễ bị chảy máu mũi nhiều do sự lão hóa của hệ tim mạch; sự già đi và dẫn đến teo nhỏ của các mô, mạch máu; sự khác nhau của các chu trình sinh học liên quan tới tạo máu và đông máu. Ngoài ra, khi sống trong môi trường có độ ẩm kém hoặc do không khí khô dẫn đến các màng nhầy trong vách ngăn của mũi bị mất tính năng đàn hồi gây ra hiện tượng chảy máu cam.

Một số nguyên nhân khác do sự thiếu hụt Vitamin C, các bệnh lý di truyền dẫn đến thay đổi trong cấu trúc của thành mạch máu, tình trạng viêm mạch máu... Những bất thường này làm tăng tính thấm thành mạch dẫn đến chảy máu, nguy hiểm hơn là hiện tượng chảy máu cam ban đêm.

Thống kê cho thấy, trẻ em dễ bị chảy máu cam hơn người lớn, nhưng cũng chỉ bị nhẹ và thường là chảy máu phía ngoài. Những trường hợp này thường thì máu tự ngừng chảy mà không cần phải đi gặp bác sĩ. Trong số trẻ phải đến gặp bác sĩ thì đến 93% là chỉ cần điều trị đơn giản, như là ép chặt chỗ vết thương bằng cách nút bông. Trẻ nhỏ hay có tật cạy gỉ mũi, việc này cũng dễ gây tổn thương lớp da mỏng bên trong lỗ mũi gây chảy máu.

Nếu chảy máu cam do bị đứt các mạch máu phía ngoài thì máu thường chảy ra ngoài, còn do các mạch máu phía trong bị đứt thì máu thường chảy xuống cổ và người bị thường nhổ ra hoặc nuốt vào bụng. Đôi khi, có bệnh nhân nôn ra máu nhưng không phải do xuất huyết nội tạng mà do vô tình trước đó nuốt phải máu do chảy máu cam mà không biết. Người sử dụng thuốc chống đông máu, thuốc xịt mũi có chứa steroid cũng dễ bị chảy máu cam.

Điều được các bác sĩ lưu ý, chảy máu cam có thể do hiện tượng huyết áp tăng cao đột ngột làm tổn thương thành mạch hoặc do thời tiết khô hanh. Theo đó, thời tiết quá lạnh hoặc quá nóng cũng góp phần gây chảy máu mũi, nhất là khi trời hanh khô thì tình trạng càng nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, với bệnh cao huyết áp, không phải ai cũng có dấu hiệu là chảy máu cam.

Theo cảnh báo của BS Nguyễn Quang Tú, nếu chảy máu mũi với lượng máu nhiều, không tự cầm được sẽ có nguy cơ bị mất máu, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và tính mạng. Tình trạng máu mũi chảy ít nhưng tái đi tái lại nhiều lần cũng sẽ làm cơ thể xanh xao, mệt mỏi, mất tập trung, ngủ không sâu, làm việc không hiệu quả.

Khi bị chảy máu mũi, cần xử lý ra sao?


Nhiều người hay luống cuống khi gặp tình huống này. Điều cần lưu ý nhất là tuyệt đối không ngửa mặt ra phía sau, tránh để máu chảy ngược xuống họng, thay vào đó, hãy chúi đầu về phía trước. Thở bằng mũi một cách nhẹ nhàng để loại trừ những cục máu gây cản trở các mạch máu làm khó thở.

Dùng hai ngón tay bóp vào phần mềm bên ngoài của mũi cho máu ngừng chảy và giữ nguyên tư thế này trong khoảng 10 phút. Nếu nặng hơn, nên nhét một miếng vải dài, sạch ấn chặt vào mũi rồi chuyển người bệnh ngay đến nơi cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để cầm máu và tìm nguyên nhân giải quyết triệt để.

Đối với một số người cao tuổi đang mắc bệnh mạn tính phải dùng thuốc Aspirin, Wafarin, Ibuprofen... có thể bị tác dụng phụ mà dẫn đến chảy máu cam; hoặc người cao tuổi mắc một số bệnh cấp tính như sởi, cúm, sốt xuất huyết, thương hàn, bệnh tim mạch, viêm cầu thận... Nếu chảy máu cam tái phát, hoặc sau khi thực hiện những cách trên vẫn không ngưng chảy, cần đến bác sĩ để thăm khám và tư vấn cụ thể.

Ngoài ra, để phòng chảy máu cam khi xì mũi, nên xì nhẹ từng bên một để không làm mũi bị căng ra. Khi hắt hơi, không nên ngậm miệng lại, nếu không sẽ tạo sức căng cho các mạch của mũi dễ chảy máu cam.

Vào mùa hanh khô, cần duy trì độ ẩm hợp lý trong nhà để tránh hít thở không khí hanh khô vào mùa lạnh và ngột ngạt vào mùa nóng để phòng chảy máu cam. Nếu mắc một số bệnh liên quan đến viêm mũi, xoang cần điều trị triệt để.

Nhận xét