Tầm soát ung thư sớm chỉ qua một xét nghiệm có tốt không?



Bác sĩ bệnh viện K đã chỉ ra những mặt trái của việc tầm soát ung thư sớm chỉ qua một xét nghiệm đang được nhiều cơ sở y tế quảng cáo rầm rộ hiện nay.


Thời gian gần đây, người dân đổ xô đi làm tầm soát ung thư sớm do tin vào lời quảng cáo từ các cơ sở y tế như chỉ cần làm xét nghiệm máu là có thể phát hiện các căn bệnh ung thư... Các bệnh viện, phòng khám ung thư cũng đẩy mạnh các gói tầm soát ung thư, nhưng thực tế nhiều người cho biết họ phải bỏ ra hơn 2 triệu đồng chỉ có lấy máu và xét nghiệm.

Được biết các cơ sở này dựa trên chỉ số CEA, CA 125 hoặc CA 153 trong máu để đưa ra kết quả chẩn đoán một người có mắc bệnh ung thư hay không.

Nói về vấn đề này, TS BS Phùng Thị Huyền – Trưởng khoa Nội 6, bệnh viện K trung ương đã trả lời PV Infonet như sau: "Chỉ với xét nghiệm máu là không có giá trị chẩn đoán ung thư. Các gói sàng lọc, chẩn đoán sớm ung thư hiện nay đang bị quảng cáo quá mức. Người dân cũng cần tỉnh táo không nên quá sợ ung thư rồi ồ ạt đi tầm soát mà không có ý kiến của các bác sỹ chuyên khoa.

Tầm soát ung thư có thể hiểu bao gồm cả sàng lọc (screening) và phát hiện sớm ung thư (early detection). Hiện nay, vai trò của sàng lọc phát hiện sớm ung thư rất quan trọng, bệnh nhân được chẩn đoán càng sớm thì cơ hội chữa khỏi bệnh càng cao.

Sàng lọc là khám và làm các xét nghiệm cần thiết trên người chưa có dấu hiệu lâm sàng. Ví dụ: Bệnh ung thư vú sàng lọc từ lúc chưa sờ thấy u vú, ung thư cổ tử cung sàng lọc khi chưa có dấu hiệu lâm sàng bất thường tại cổ tử cung. Việc khám sàng lọc có thể thực hiện riêng hoặc kết hợp trong các chương trình khám sức khỏe định kỳ.



TS Phùng Thị Huyền - Bệnh viện K trung ương. Ảnh: Infonet

Nếu qua sàng lọc phát hiện ra bệnh thì thường ở giai đoạn sớm, khả năng chữa khỏi rất cao. Tuy nhiên, người dân cần tỉnh táo khi đi mua các gói sàng lọc ung thư vì không phải bệnh nào cũng có chỉ định sàng lọc.

Về phát hiện sớm, có thể hiểu ở một số bệnh ung thư có dấu hiệu sớm như: Ung thư vòm họng có dấu hiệu chảy máu mũi, ngạt tắc mũi một bên. Ung thư vú có thể tự sờ thấy u hoặc chảy dịch, máu đầu vú, ung thư cổ tử cung có dấu hiệu ra máu âm đạo bất thường, ung thư đại trực tràng có thể đại tiện ra máu, ung thư hắc tố có nốt ruồi biến đổi màu sắc, chảy máu … Tất cả các dấu hiệu đó có thể cảnh báo nguy cơ mắc ung thư và người dân nên đi khám sớm khi có những dấu hiệu bất thường này, không nên tự ý điều trị như uống thuốc đông y không rõ nguồn gốc, đắp lá, dán cao …

Về tác hại của việc lạm dụng các gói xét nghiệm, tầm soát ung thư sớm, TS. BS. Phùng Thị Huyền chia sẻ: "Có những quảng cáo làm xét nghiệm máu 1 lần phát hiện ra các loại ung thư, người dân sợ ung thư quá nên đã đồng ý làm rất nhiều xét nghiệm với chi phí không phải ít. Thực tế, không có xét nghiệm máu nào có khả năng chẩn đoán “hàng loạt” ung thư như vậy, và phải khẳng định chỉ riêng xét nghiệm máu không đủ để chẩn đoán ung thư. Trong một số bệnh, kết hợp khám lâm sàng, xét nghiệm máu và các xét nghiệm đặc hiệu khác cho từng bệnh mới đủ để hướng tới chẩn đoán ung thư còn để khẳng định chắc chắn ung thư thì trong phần lớn các trường hợp phải sinh thiết tổn thương u.

Nếu lạm dụng các gói xét nghiệm, một số nguy cơ hiện hữu có thể xảy ra:

Thứ nhất: Đó là ảnh hưởng tới tâm lý. Nhiều người đi xét nghiệm thấy một chỉ số nào đó tăng, về tra mạng và nhanh chóng tìm ra các kết quả chỉ số này tăng nguy cơ ung thư gì. Ví dụ chỉ số CEA tăng cảnh báo ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư vú… Người bệnh luôn sống trong trạng thái lo sợ mình bị ung thư.

Thứ hai: Lạm dụng tầm soát có thể mang lại kết quả dương tính giả từ chính các xét nghiệm không cần thiết đó. Với các kết quả dương tính giả này bệnh nhân sẽ phải làm thêm các xét nghiệm khác để chẩn đoán xem mình có “thực sự” bị ung thư không dẫn đến tốn kém và thậm chí có thể gây ra những can thiệp quá mức ảnh hưởng đến sức khỏe.

Thứ 3: Khi sử dụng các test sàng lọc không phù hợp, có thể dẫn đến kết quả âm tính giả, tức là người bệnh có thể đang mắc ung thư nhưng xét nghiệm trả lời không có nguy cơ mắc ung thư. Ví dụ có người đi khám bác sỹ khẳng định ung thư vú nhưng xét nghiệm chỉ số CA 15.3 không tăng nên không tin mình bị ung thư, từ chối điều trị và khi quay lại thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Chúng ta cũng hy vọng trong tương lai có thể sử dụng một số xét nghiệm máu để sàng lọc ung thư, đó là xét nghiệm tương đối thuận tiện còn tại thời điểm này xin khẳng định chỉ mình xét nghiệm máu không đủ giá trị để sàng lọc ung thư."

Liên quan đến vấn đề này, theo bác sĩ Thân Văn Thịnh – Khoa Khám bệnh, bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, các gói quảng cáo xét nghiệm phát hiện ung thư hiện nay chỉ là quảng cáo và thương mại thiếu tính khoa học.

Theo bác sĩ Thịnh việc xét nghiệm tràn lan các chất chỉ điểm khối u trong máu như CEA, CA 125 hoặc CA 153… đều không có cơ sở khoa học do các chất này có thể tăng trong nhiều bệnh lý khác nhau, lành tính cũng như ác tính.

Ngoài ra, nếu chỉ vin vào các xét nghiệm này còn có thể âm tính giả. Có nhiều trường hợp có u nhưng xét nghiệm các chỉ số này đều bình thường. Khi đó, bệnh nhân yên tâm là mình khỏe mạnh đến khi bệnh nặng mới tầm soát.

Bác sĩ Thịnh cho biết, lạm dụng các xét nghiệm này đôi khi người bệnh vừa tốn tiền, vừa thêm lo lắng.

Trong sàng lọc ung thư, việc đưa ra các gói xét nghiệm đều cho thấy độ đặc hiệu không cao và hiện nay xét nghiệm máu tầm soát ung thư chỉ áp dụng trong tầm soát trên đối tượng nguy cơ cao và phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định, tư vấn.

Ngay cả việc lạm dụng chẩn đoán hình ảnh trong tầm soát ung thư, theo bác sĩ Thịnh người dân không nên tin rằng chỉ cần chụp cát lớp 256 dãy có thể phát hiện tất cả các tổn thương trên cơ thể trong đó có ung thư.

Điều này hoàn toàn sai vì hiện nay, chẩn đoán hình ảnh được sử dụng trong sàng lọc ung thư phổi, ung thư gan, ung thư vú… tuy nhiên với ung thư gan cũng có thể phát hiện qua siêu âm vừa an toàn vừa rẻ tiền hơn rất nhiều.

Nhận xét