Bệnh hay gặp ở nam giới trên 50 tuổi


Theo các chuyên gia, ở những đàn ông từ 50 tuổi trở lên, tuyến tiền liệt to dần, đó là biểu hiện bình thường của quá trình lão hóa. Tuy nhiên, nếu bắt đầu có hiện tượng đi tiểu khó, đau khi tiểu tiện, người cao tuổi (NCT) cần đi khám vì có thể đã mắc các bệnh lý về tuyến tiền liệt, thậm chí là ung thư cơ quan này.


Bệnh hay gặp ở nam giới trên 50 tuổi

Theo các bác sĩ, tuyến tiền liệt là tuyến chỉ có ở nam giới. Tuyến này nằm ngay dưới bàng quang và trước trực tràng, có chức năng sản xuất chất tiết, giữ cho niêm mạc niệu đạo được ẩm ướt và góp phần tạo tinh dịch. Khi mới chào đời, tuyến tiền liệt ở bé trai nặng khoảng một vài gram. Đến tuổi dậy thì, do tác động của nội tiết tố androgen, nó trở nên to hơn và ngừng phát triển ở tuổi 20. Đến tuổi già, tuyến này lại to dần ra, nhiều trường hợp dẫn đến phì đại. Do đó, càng lớn tuổi, nam giới càng dễ mắc bệnh liên quan đến tuyến tiền liệt, trong đó, nguy hiểm nhất là ung thư tuyến tiền liệt (hay còn gọi là ung thư tiền liệt tuyến).

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ung thư tuyến tiền liệt gây tử vong cho nam giới đứng hàng thứ 2 sau ung thư phổi. Tại Mỹ, tỷ lệ tử vong vào những năm 70 và 80 của thế kỷ trước là 0,7% đối với đàn ông da trắng, 1,6% đối với đàn ông Mỹ gốc Phi, tỷ lệ này tăng hàng năm khoảng 3,1% tính đến năm 1995. Tại châu Âu, con số tử vong năm 1994 tại Hà Lan là 33/100.000 người, tại Thuỵ Điển là 28/100.000 người.

Ở Việt Nam, theo TS.BS Nguyễn Việt Hải, khoa Ngoại thận tiết niệu (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), cho đến nay chưa có một nghiên cứu thống kê đầy đủ về tỷ lệ mắc bệnh này. Trong một số nghiên cứu đơn lẻ, người ta thấy tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt tình cờ phát hiện được qua xét nghiệm giải phẫu bệnh lý sau mổ mở u phì đại lành tính tuyến tiền liệt là 7,2%. Đây được coi là căn bệnh của NCT, tần suất mắc bệnh tăng tỷ lệ so với lứa tuổi, phần lớn các trường hợp phát hiện bệnh sau 50 tuổi, tuổi trung bình được chẩn đoán là 72 tuổi.

Về nguyên nhân dẫn đến loại ung thư này, hiện nay vẫn chưa xác định được chính xác, tuy nhiên, cũng có một vài yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh. Theo đó, ngoài yếu tố tuổi cao, ung thư tiền liệt tuyến còn gặp ở những nam giới có người thân trong gia đình đã mắc căn bệnh này. Nghiên cứu cho thấy, nếu trong gia đình có người thân mắc ung thư tuyến tiền liệt thì nguy cơ mắc bệnh gia tăng gấp 2-3 lần so với người bình thường. Nếu có từ 2 người trở lên thì nguy cơ gia tăng gấp 5 lần.

Bên cạnh đó, ung thư tuyến tiền liệt thường tăng lên cùng với hàm lượng chất béo có trong chế độ ăn hàng ngày. Ngoài ra, các yếu tố khác như nồng độ hormone testosterone cao, nghề nghiệp phơi nhiễm với hóa chất, người mắc bệnh gan mạn tính… cũng dễ bị ung thư tiền liệt tuyến.

Đàn ông trên 40 tuổi nên tầm soát ung thư tiền liệt tuyến

Theo BS Nguyễn Hoàng Đức, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn sớm không có triệu chứng đặc biệt. Bệnh chỉ có thể phát hiện được dựa trên thăm khám và xét nghiệm PSA (xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt) định kỳ hằng năm hoặc sờ thấy một khối cứng ở tiền liệt tuyến khi đưa ngón tay trỏ từ ngả trực tràng.

NCT mắc ung thư tiền liệt tuyến thường có diễn tiến nhanh, nhiều di căn và sớm tử vong. Điều nguy hiểm là các triệu chứng của loại ung thư này không rõ ràng nên dễ nhầm lẫn. Do đó, nếu NCT chỉ có biểu hiện tiểu tiện nhiều lần hơn so với thời trẻ thì đó là biểu hiện sinh lý do tuổi tác, không cần điều trị. Nhưng nếu kèm theo tiểu nhiều lần là các dấu hiệu tiểu lắt nhắt, khó tiểu, tiểu đau buốt... thì phải nghĩ đến bệnh lý tuyến tiền liệt và đi khám ở chuyên khoa tiết niệu ngay. Việc thăm khám sớm (thăm dò trực tiếp trực tràng, siêu âm, chụp hình có cản quang) rất quan trọng, giúp xác định bệnh kịp thời và điều trị đúng lúc.

Do đó, để dự phòng căn bệnh này, BS Nguyễn Hoàng Đức khuyến cáo, đàn ông từ 40 tuổi trở lên nên tầm soát ung thư tiền liệt tuyến định kỳ mỗi năm một lần nhằm phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Nếu kết quả xét nghiệm bất thường được xem là nghi ngờ có bệnh cần làm thêm một số xét nghiệm khác để chẩn đoán phân biệt.

Nếu để khối ung thư càng lớn sẽ gây chèn ép vào niệu đạo làm cho người bệnh khó tiểu, tiểu lắt nhắt, tiểu nhiều lần, tiểu không hết... Bệnh nhân có thể bị rát, tiểu ra máu, thậm chí bí tiểu hoàn toàn gây đau vùng bụng dưới, bàng quang căng to. Ở giai đoạn nặng, khối ung thư xâm lấn sang các cơ quan lân cận hoặc hạch bạch huyết vùng chậu. Càng về sau di căn đến các vùng xa hơn của cơ thể như đốt sống thắt lưng thấp hay xương chậu gây đau lưng. Khối u có thể lan đến gan, gây đau bụng và vàng da, di căn đến phổi gây đau ngực, ho nhiều, thậm chí là tử vong.

Nhận xét