Liệu pháp giả dược vẫn xuất hiện rộng rãi trong y học


Giả dược (hay Placebo) được biết như những công cụ chữa bệnh bằng tác động ảo. Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng liệu pháp giả dược vẫn xuất hiện rộng rãi trong y học, được các bác sĩ kê đơn dưới dạng thuốc hoặc trị liệu phù hợp.


Giới nghiên cứu cho rằng, Placebo phản ánh một liệu pháp tâm lý hơn là phương thuốc tác dụng về thể chất, không chỉ đánh lừa người bệnh, mà còn củng cố niềm tin vào sức mạnh tinh thần vượt qua bệnh tật, từ đó giúp đạt được hiệu quả chữa trị nhất định.

Trị liệu bằng niềm tin?

Trên lý thuyết, liệu pháp Placebo ban đầu là những viên thuốc rỗng không có dược chất trị bệnh. Sau này, Placebo được mở rộng hơn thành các dạng như thuốc viên hay dung dịch tiêm/truyền tĩnh mạch với thành phần trung tính, châm cứu và phẫu thuật hình thức (giả vờ) hay cung cấp thông tin giả nhưng có lợi cho bệnh nhân. 

Tác dụng của giả dược đã được biết tới từ hàng nghìn năm trước nhưng phải đến những năm cuối của thế kỉ 18, khái niệm này mới được công nhận một cách chính thức và xuất hiện trong từ điển y khoa.

Liệu pháp Placebo kích thích quá trình giải phóng Endorphins - "thuốc phiện" tự nhiên của cơ thể giúp giảm đau.

Một số nhà khoa học đã chứng minh các thay đổi sinh lý như tăng giảm nhịp tim hoặc huyết áp có thể do Placebo gây nên. 

Vì vậy, liệu pháp này được cho là hữu ích đối với các bệnh lý dạng tâm thần, tâm sinh lý hay thần kinh như lo âu, thất vọng, trầm cảm hay suy nhược, và ở mức độ thấp hơn với các bệnh lý như rối loạn chức năng dạ dày, hội chứng ruột kích thích, bàng quang hay đái tháo đường, cùng một số bệnh đau mãn tính. Trong khi đó, với những tổn thương nặng bên ngoài cơ thể hay bệnh truyền nhiễm, Placebo ít có tác dụng.

Chưa hết, Placebo còn đặc biệt quan trọng trong nghiên cứu đối chứng tác dụng của thuốc trên lâm sàng (hay thử thuốc), trước khi thuốc được phép lưu hành trên thị trường. Ở giai đoạn này, giới nghiên cứu sử dụng các nhóm đối chứng, trong đó một nhóm sử dụng thuốc cần thử, và nhóm còn lại chỉ dùng Placebo. Thuốc thử và thuốc rỗng Placebo giống nhau đến nỗi cả bác sĩ lẫn người thí nghiệm đều không thể phân biệt. Diễn tiến của bệnh được theo dõi sát sao, sau đó so sánh kết quả bằng phương pháp thống kê y học để xác định sự khác biệt giữa hai nhóm. Nếu nhóm dùng thuốc thật có tiến triển tích cực, còn nhóm đối chứng không có thay đổi nào đáng kể, thì điều đó có nghĩa là thuốc thật đã có tác dụng tốt.

Lý giải về tác dụng của một số giả dược, giới khoa học cho rằng liệu pháp Placebo kích thích quá trình giải phóng Endorphins - "thuốc phiện" tự nhiên của cơ thể giúp cải thiện tâm trạng và ức chế sự truyền tín hiệu đau đớn. 

Khi bệnh nhân đã được xoa dịu, Placebo tiếp tục kích thích tâm lý người dùng theo phương châm "sức mạnh của sự vô nghĩa". Giải thích cơ chế này, các nhà khoa học tin vào khả năng phục hồi ám thị, tức là lời nói của bác sĩ đã làm cho bệnh nhân tin tưởng, khiến bệnh nhân cảm thấy nhẹ nhõm và an tâm, từ đó hợp tác tốt với bác sĩ trong quá trình điều trị cũng như thay đổi lối sống lành mạnh hơn.

Tranh cãi và quan ngại

Có thể nói, giả dược gây ít nhiều tác động tích cực đối với những bệnh nhân luôn lạc quan vào sự thành công của phác đồ điều trị, hoặc những cá nhân từng có thời gian chữa trị hiệu quả trong quá khứ. Nếu được áp dụng đúng tình huống, đúng cách và có tác dụng như mong muốn thì Placebo vẫn được coi là phương pháp điều trị nhiều tiềm năng. 

Placebo ban đầu là những viên thuốc rỗng không có dược chất trị bệnh.

Thậm chí trong một số trường hợp, giả dược có thể được kết hợp với phác đồ điều trị thực tế cho đến khi xuất hiện các dấu hiệu chuyển biến tốt. Tuy nhiên, cần chú ý rằng Placebo không có tác dụng điều trị dứt điểm bệnh, mà chỉ có thể cải thiện các triệu chứng hoặc tình trạng sức khỏe ở một mức độ cụ thể.

Chưa hết, sử dụng Placebo trong y học vẫn nhận được nhiều cảnh báo, bất chấp kết quả thực tế Placebo đem lại cũng như những hiệu ứng y khoa tích cực của nó. Chẳng hạn như, trong điều trị các ca bị bỏng nhẹ, thuốc giảm đau opioid không phải lúc nào cũng là lựa chọn hàng đầu vì nguy cơ gây suy hô hấp. 

Khi đó, bác sĩ cân nhắc sử dụng Placebo bằng một mũi tiêm nước muối, dưới vỏ bọc là thuốc giảm đau liều mạnh để giúp cải thiện các triệu chứng ban đầu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, điều này đặt ra lo ngại về hàng loạt các nguy cơ y khoa không thể lường trước như sốc phản vệ hay tai biến dị ứng nghiêm trọng, bất chấp những tuyên bố giả dược an toàn, không gây tác dụng phụ.

Dư luận cũng quan ngại về phương diện đạo đức khi áp dụng Placebo trong xây dựng phác đồ điều trị. Để các bệnh nhân không biết họ đang dùng giả dược, bác sĩ phải biết cách "lừa" bệnh nhân một cách hoàn hảo, từ khâu chẩn đoán, kê đơn thuốc, cho đến thu tiền. Từ đây, bác sĩ và dược sĩ đều có khả năng gian lận trong chi phí thuốc điều trị. 

Đáng lưu ý, phác đồ điều trị có sự can thiệp của giả dược để xoa dịu các triệu chứng cho bệnh nhân có thể kéo dài thời gian chẩn đoán, trì hoãn quá trình chữa trị, dẫn đến kết quả sai lệch, làm cho bệnh có thể tiến triển nặng hơn và đe dọa tính mạng người bệnh. 

Trong khi đó, đối với nghiên cứu thuốc, các quy định về Placebo còn tương đối lỏng lẻo, gây nguy hiểm cho những tình nguyện viên tham gia thử nghiệm.

Nhận xét