Khám thai 3 tháng cuối phát hiện được những bất thường gì?



Ba tháng cuối thai kỳ – Giai đoạn “nước rút” chuẩn bị cho cuộc vượt cạn của cả hai mẹ con, ở giai đoạn này mẹ bầu cần hết sức lưu ý tình trạng sức khỏe và kiểm tra sát sao tình trạng của bé con để tránh những rủi ro không đáng có.

Tại sao cần ghi nhớ lịch khám thai trong 3 tháng cuối thai kỳ?

Bên cạnh việc bổ sung đầy đủ dưỡng chất, tập thể dục đều đặn và có chế độ sinh hoạt khoa học trong suốt thai kỳ, mẹ bầu nên ghi nhớ và thực hiện đầy đủ lịch khám thai theo hẹn của bác sĩ để đảm bảo rằng con đang phát triển khỏe mạnh bên trong cơ thể mẹ bầu.


Cũng như hai giai đoạn thai kỳ trước, ở giai đoạn này thai nhi cũng cần được khám định kỳ như một “thủ tục” cơ bản: Đo huyết áp, đo cân nặng cũng như ghi nhận cử động thai nhi. Thông thường, mỗi tháng mẹ sẽ có lịch khám thai 1 lần. Tuy nhiên, từ tuần thai thứ 30 trở đi, cứ 2 tuần một lần mẹ nên gặp bác sĩ và từ tuần 36 trở đi, lịch hẹn sẽ nhiều hơn, mỗi tuần một lần thậm chí là nhiều hơn tùy vào tình trạng sức khỏe của mỗi mẹ bầu và thai nhi theo chỉ định của bác sĩ.

Các mẹ bầu cần ghi nhớ những lịch khám thai đã được bác sĩ hẹn trước để có thể phát hiện sớm triệu chứng tiền sản giật nếu có, cũng như phòng ngừa các biến chứng thai kỳ khác. Mặc dù ở giai đoạn này không còn cần lo về độ mờ da gáy như 3 tháng đầu, hay dị tật thai nhi trong 3 tháng giữa, nhưng lịch khám thai 3 tháng cuối của mẹ cũng có những xét nghiệm không thể thiếu.
Lịch khám thai 3 tháng cuối mẹ bầu không thể lơ là

Đo bề cao tử cung, thăm khám cổ tử cung để đánh giá độ dài và độ mở của cổ tử cung để kịp thời chẩn đoán và điều trị sớm tình trạng dọa sinh non. Đồng thời siêu âm trong giai đoạn 3 tháng cuối giúp đánh giá sự phát triển của thai nhi cũng như phát hiện những bất thường nếu có về nước ối, bánh nhau…

Các buổi khám thai từ tuần 31-33 là cột mốc quan trọng mẹ không nên bỏ lỡ. Bác sĩ sẽ xác định vị trí của ngôi thai, vị trí bánh nhau, tình trạng nước ối và đánh giá tốc độ phát triển của thai nhi có tốt hay không.

Từ tuần 35 của thai kỳ, mẹ bầu sẽ được chỉ định đo biểu đồ tim thai cũng như tần suất xuất hiện các cơn gò. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ theo dõi sát sao lượng nước ối trong tử cung của mẹ để có phương án xử lý kịp thời trong trường hợp đa ối, hoặc thiếu nước ối… Đặc biệt, những mẹ bầu chưa xét nghiệm máu tổng quát trong thời gian mang thai sẽ được chỉ định xét nghiệm máu tầm soát bệnh HIV, viêm gan siêu vi B, giang mai…



Khám thai 3 tháng cuối phát hiện được những bất thường gì?

Tuân thủ lịch khám thai giúp mẹ kịp thời phát hiện những trường hợp bất lợi cho việc sinh nở. Một số vấn đề có thể xảy ra trong những tháng cuối như:

Ngôi thai ngược

Thông thường đến tuần 36 các em bé sẽ quay đầu xuống dưới để vượt cạn cùng mẹ dễ dàng hơn, đây được gọi là là ngôi thai thuận. Tuy nhiên có khoảng 3 – 4% trường hợp các em bé vẫn ngôi mông hoặc nằm ngang tử cung, gọi là ngôi thai ngược khiến các mẹ lo lắng cho việc sinh thường. Tuy nhiên, mẹ không cần quá lo lắng. Các bác sĩ sẽ thăm khám và thảo luận với mẹ bầu để chọn cách sinh con phù hợp nhất để an toàn nhất cho cả 2 mẹ con.

Giảm nguy cơ sinh non

Những em bé ra đời trước tuần 37 được gọi là trẻ sinh non. Trường hợp này có thể xảy ra ở bất kỳ bà mẹ nào vì nhiều nguyên nhân. Nếu ở những tháng cuối thai kỳ, mẹ bầu có những dấu hiệu như cơn co thắt xảy ra thường xuyên, đau thắt ở vùng bụng, xương chậu, âm đạo ra nhớt hồng, ra máu hoặc dịch nhầy cổ tử cung, rò rỉ nước ối, đau thắt lưng, đau lưng, tiêu chảy… thì có khả năng em bé sinh non. Trong trường hợp gặp phải những biểu hiện đó, mẹ bầu cần đi khám bác sĩ sớm nhất có thể để được tư vấn.

Nguy cơ tiền sản giật

Nếu phát hiện mẹ bầu bị tiền sản giật nhẹ và ổn định thì mẹ bầu cần làm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho 2 mẹ con. Với những trường hợp này, mẹ bầu nên hạn chế hoạt động thể lực và tăng cường nghỉ ngơi, theo dõi huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm và theo dõi tim thai của bé thường xuyên để đề phòng biến chứng.

Con chậm tăng trưởng

Một số trường hợp đến những tháng cuối nhưng trọng lượng của thai nhi quá nhỏ hoặc suy dinh dưỡng. Điều này mẹ không thể tự cảm nhận được mà cần được bác sĩ siêu âm để xác định tình trạng phát triển của con. Bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ thêm về chế độ dinh dưỡng để bé cải thiện cân nặng cho con trong những tuần thai cuối này.


Khám thai 3 tháng cuối cần lưu ý những gì?

Tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp, ngôi thai ngược, vấn đề về sự phát triển của thai nhi và nước ối là những nguy cơ tiềm ẩn mẹ bầu có thể gặp phải trong 3 tháng cuối. Chính vì vậy, việc tuân thủ lịch khám thai 3 tháng cuối rất quan trọng, nhất là với những mẹ có vấn đề về sức khỏe. Ngoài ra, mẹ bầu cần có những buổi khám thai theo lịch hẹn trước, mẹ bầu nên nhanh chóng đến bệnh viện kiểm tra nếu phát hiện những dấu hiệu khác thường để đảm bảo an toàn cho cả hai mẹ con. Các triệu chứng nguy hiểm như:

Ra máu âm đạo kèm những cơn co thắt xuất hiện liên tục.

Cử động thai nhi bất thường: Đây là lời “kêu cứu” của thai nhi, bé cưng có thể bị nhau thai quấn cổ hoặc một vấn đề gì đó.

Co giật trong giai đoạn cuối thai kỳ có thể là dấu hiệu sinh non.

Sưng phù nề: Là tình trạng khá phổ biến trong thời gian mang thai. Tuy nhiên, nếu tình trạng sưng phù nghiêm trọng hơn, mẹ bầu cần lập tức đến bệnh viện kiểm tra ngay. Sưng phù là một trong những triệu chứng của tiền sản giật, biến chứng nguy hiểm nhất cho cả mẹ và thai nhi.

Việc nắm rõ lịch khám thai 3 tháng cuối và các vấn đề liên quan là điều mà mỗi bà mẹ nên làm nhằm đảm bảo mẹ tròn con vuông trong cuộc vượt cạn sắp tới để được “mẹ tròn con vuông”.

Nhận xét