Người không hợp tác không cho xét nghiệm ADN, có thể bị khởi tố

Kiện đòi cha cho con, bế tắc vì cha không cho xét nghiệm ADN


Vì muốn con mình được có tên cha trên giấy khai sinh, người mẹ đã phải nộp đơn khởi kiện ra tòa “yêu cầu xác định cha cho con”, nhưng đành ngậm ngùi rút đơn khởi kiện.

Tôi thấy con mình không có tên cha trên giấy khai sinh là một thiệt thòi quá lớn, nên tôi mới kiện chứ không hề nghĩ đến việc buộc chồng cấp dưỡng nuôi con.

Bà K.D.

Theo kế hoạch, ngày 26-7 TAND Q.6, TP.HCM sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm vụ kiện “xác định cha cho con” giữa nguyên đơn là bà K.D. (40 tuổi) với bị đơn là ông T.Q.D. (58 tuổi, ngụ tại Q.6).

Tuy nhiên, trước khi phiên xét xử diễn ra một ngày, bà K.D. phải rút đơn khởi kiện vì ông D. không đến tòa, cũng không hợp tác lấy mẫu giám định adn.





Khi “cha” từ chối không cho xét nghiệm ADN


Tại đơn khởi kiện, bà K.D. cho biết bà và ông D. tổ chức đám cưới hồi tháng 3-2018 nhưng chưa đăng ký kết hôn. Lúc này, bà K.D. đã có thai được 3 tháng. Ông D. đã từng có một đời vợ và ly hôn.

Khi bà mang thai được hơn 7 tháng thì ông D. cắt đứt liên lạc. Tháng 8-2018, do buồn, suy nghĩ nhiều nên bà K.D. sinh non hai con trai lúc thai được 31 tuần.

Khi hai con nằm trong lồng kính bệnh viện, bà K.D. tìm ông D. đề nghị hỗ trợ làm giấy khai sinh cho các con nhưng ông D. không chịu và nhắn tin “tôi không liên quan đến cô, 2 đứa không phải con tôi, cô đừng làm phiền tôi”.

Cuối năm 2018, bà K.D. nộp đơn khởi kiện yêu cầu xác định cha cho con.

Nhận đơn khởi kiện, tòa án hướng dẫn bà K.D. phải làm giấy khai sinh cho các con trước, để các con bà có tên gọi trong hồ sơ vụ án.

Không còn cách nào khác, bà K.D. phải làm khai sinh cho con theo họ mẹ, bỏ trống phần tên cha nộp hồ sơ cho tòa và hồ sơ chế độ thai sản cho cơ quan nơi bà làm việc.

Điều đáng nói là từ khi bà K.D. nộp đơn khởi kiện đến khi vụ án được đưa ra xét xử ông D. không đến tòa, cũng không hợp tác để tòa thu thập lời khai và chứng cứ.

Tháng 5-2019, TAND Q.6 đã có văn bản đề nghị bà K.D. phải cung cấp tài liệu, mẫu ADN của ông D. để trưng cầu giám định. Tòa án cho bà 30 ngày để cung cấp mẫu, nếu không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản cho tòa biết lý do.

Bà K.D. nhiều lần liên hệ với ông D. yêu cầu cung cấp mẫu nhưng ông D. không hợp tác. Bà K.D. cũng liên hệ với vợ cũ của ông D. để xin mẫu của con trai ông D. nhưng cũng không được chấp thuận.

Tháng 7-2019, do không cung cấp được chứng cứ nên bà K.D. có đơn yêu cầu tòa án hỗ trợ. Sau khi nhận đơn, tòa đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Tuy nhiên, rất nhiều người trong đó có luật sư đều tư vấn bà K.D. nên rút đơn, vì nếu ông D. không hợp tác thì tòa sẽ không xử được. Vì vậy, trước khi phiên tòa diễn ra một ngày, bà D. đã chủ động đến tòa rút đơn khởi kiện.

“Tôi thấy con mình không có tên cha trên giấy khai sinh là một thiệt thòi quá lớn. Bởi trẻ con đâu có tội tình gì? Do đó tôi mới kiện ra tòa với mong muốn tên cha có trên giấy khai sinh của con, chứ không hề nghĩ đến việc buộc chồng cấp dưỡng nuôi con.

Thế nhưng tôi đi tư vấn nhiều chỗ, chỗ nào cũng nói nếu ổng không hợp tác thì không làm gì được, tòa cũng không xử được nên tôi mới phải rút đơn khởi kiện dù trong lòng không muốn” – bà K.D. cho biết.

Có bắt buộc được người không cho xét nghiệm ADN?

Trên thực tế, TAND Q.4 đã từng thực hiện một vụ án tương tự mà bị đơn không hợp tác cung cấp mẫu để giám định ADN.

Nguyên đơn là ông P.V. (ngụ P.Thảo Điền, Q.2) khởi kiện ông Đ.V.L. (ngụ Q.4) ra tòa. Lý do: giữa ông Vỹ và vợ ông L. đã lén lút có mối quan hệ tình cảm.

Khi sức khỏe yếu vì bị ung thư, vợ ông L. đã gọi ông P.V. đến bảo ông hãy nhận cháu Q. (con gái của bà) về nuôi vì đó là con của ông.

Ngay sau đó, ông P.V. đã khởi kiện yêu cầu tòa xác định cháu Q. (con của vợ chồng ông L.) là con ruột của ông. Ông L. được tòa án xác định là bị đơn vì lúc này vợ ông đã qua đời.

Quá trình giải quyết vụ án, tòa yêu cầu cả nguyên đơn và bị đơn cung cấp chứng cứ, trong đó có các mẫu vật giám định ADN để xác định quan hệ huyết thống giữa ông P.V. và cháu Q., nhưng phía ông L. không cung cấp.

Sau đó, tòa đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc ông L. phải cung cấp mẫu vật của cháu Q. để giám định ADN. Tuy nhiên, ông L. vẫn cương quyết không chấp hành nên tòa phải gửi quyết định cho Chi cục Thi hành án dân sự quận để thi hành.

Tiếp nhận vụ án, Chi cục Thi hành án dân sự quận đã ra thông báo yêu cầu ông L. cung cấp mẫu vật. Do ông L. không hợp tác nên tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để đợi kết quả giám định.

Hiện tòa án một quận khác trên địa bàn TP.HCM cũng đang thụ lý một vụ án “xác định cha cho con” nhưng người cha không hợp tác.

Lãnh đạo tòa án quận này cho biết khi thụ lý vụ án, tòa án đã ra quyết định trưng cầu giám định đối với bị đơn và đứa trẻ. Tòa đã gửi giấy triệu tập cho người cha để lấy mẫu giám định ADN.

“Nếu đương sự không hợp tác thì thẩm phán có thể ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc đương sự phải đi giám định.

Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì chúng tôi gửi văn bản trao đổi chuyên môn đối với TAND TP.HCM hoặc xin ý kiến chỉ đạo của TAND tối cao” – vị lãnh đạo tòa này cho biết.

Người không hợp tác không cho xét nghiệm ADN, có thể bị khởi tố

Luật sư Trương Thị Minh Thơ (nguyên thẩm phán tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM) cho biết: trong trường hợp không có chứng cứ nào khác ngoài việc cần xét nghiệm ADN để xác định cha mẹ cho con, theo yêu cầu của đương sự thì tòa án căn cứ điều 111, điều 114, điều 127 Bộ luật tố tụng dân sự “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định”.

Cụ thể, tòa án có thể ban hành quyết định áp dụng biện pháp buộc người được xác định là cha, mẹ, con cung cấp mẫu thử để xét nghiệm ADN theo quy định.

Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy đương sự hoặc thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án.

Sau khi có quyết định của tòa án về quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cơ quan thi hành án tiến hành thu thập mẫu thử xét nghiệm ADN trên nguyên tắc thương lượng đàm phán vì đối tượng áp dụng trong trường hợp này là con người.

Nếu người được xác định không đồng ý thì không được cưỡng chế thi hành.

Nếu cưỡng chế là vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể được quy định tại khoản 1, điều 33 Bộ luật dân sự.

Tuy nhiên, cũng có biện pháp nếu họ không chấp hành quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì tùy tính chất và mức độ để xem xét xử phạt hành chính (điều 52, nghị định số 110 năm 2013) hoặc khởi tố, điều tra, xét xử theo quy định tại điều 380 Bộ luật hình sự.

Nhận xét