Những cách phòng ngừa ung thư



Thực tế hiện nay có rất nhiều người bỏ số tiền lớn để uống thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ dưỡng, các loại nấm, sâm... hàng ngày với hy vọng có thể ngừa được ung thư.


Tuy nhiên có những thứ hiệu quả nhất như bỏ thuốc lá, tập thể dục thể thao lại không áp dụng…
Ảnh minh họa


Gia đình từng có người mắc ung thư, chưa kể nhìn xung quanh thi thoảng lại nhận hung tin có người thân, người quen qua đời vì ung thư, vì thế suốt 2 năm nay, anh Thành (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên mua nấm linh chi, xạ đen cùng với các loại thực phẩm chức năng cho vợ con dùng.

“Trung bình mỗi tháng nhà tôi chi cho khoản này khoảng 4 triệu. Cả nhà uống đều đặn hy vọng ung thư… chừa gia đình mình ra”, anh Thành cười nói nhưng miệng thì vẫn không ngừng rít thuốc. Hỏi anh có biết, rượu bia, thuốc lá cũng là những tác nhân gây ung thư mà dường như cả hai món này anh đều “hay”, anh chỉ cười xòa bảo “ờ thì chính vì không bỏ được nên mới phải bỏ tiền mua những thứ kia để dùng đấy”.

Một trường hợp khác, hai vợ chồng bác Châu (quận Ba Đình, Hà Nội) sợ tiểu đường, sợ mỡ máu, huyết áp cao và sợ ung thư nên chế độ ăn uống vô cùng “hà khắc”. Không ăn mỡ, không ăn đồ ngọt, không ăn đồ chiên rán, nhịn cả dưa muối, mỗi bữa chỉ đúng 3 miếng thịt mỏng như lá lúa, lưng bát cơm… Ngoài ra, mỗi chiều ông bà đều dắt nhau đi bộ thong thả chừng 15-20 phút rồi mới về tắm rửa, cơm nước. Dù rất khắt khe như vậy, nhưng cách đây 5 tháng, ông Châu thấy trong người mệt mỏi, hay đau bụng nhâm nhẩm, sụt cân rất nhanh, ông bà đưa nhau đi khám. Ông không thể tin được khi bác sĩ kết luận bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối.

Chia sẻ về những cách phòng ngừa ung thư sai lầm mà người dân thường mắc phải, Giáo sư Trần Văn Thuấn - GĐ Bệnh viện K cho rằng, để giảm tỉ lệ mắc ung thư, sẽ cần nhiều thời gian. Đây là quá trình thường xuyên, liên tục tuyên truyền về các tác nhân gây ung thư cũng như các biện pháp phòng tránh, hạn chế tiếp xúc các yếu tố nguy cơ để người dân có kiến thức dự phòng chứ không thể một sớm một chiều.

“Đơn cử như ung thư gan, để phòng ngừa, người dân phải tiêm vắc xin ngừa viêm gan B ngay từ bây giờ để phòng tránh viêm gan, xơ gan hay tiêm phòng HPV để ngừa ung thư cổ tử cung nhưng cũng phải 10-20 năm sau mới thấy được tỉ lệ mắc mới 2 loại ung thư này giảm xuống”, GS Thuấn chia sẻ.

GS Thuấn cũng bày tỏ, người dân phải từ bỏ thuốc lá để giảm mắc các ung thư liên quan đến khói thuốc lá như ung thư phổi, họng thanh quản, trực tràng, gan, vú... Thống kê cho thấy, trên 30% bệnh ung thư có liên quan đến thuốc lá. Trong ăn uống, GS Thuấn lưu ý cần ăn hợp lý và an toàn, chế độ ăn có hàm lượng đạm vừa phải, thay vào đó ăn nhiều hoa quả, rau xanh, tránh ăn thực phẩm ôi thiu. Đơn cử, nếu ăn dưa quá khú sẽ có nhiều chất nitrosamine gây ung thư vòm họng và ung thư vùng cổ, gạo mốc có nhiều aflatoxin gây ung thư gan...

Song song, cần kết hợp với tập luyện, thể dục, thể thao, tuy nhiên cần lưu ý theo đúng lộ trình, đủ giờ, và đủ cường độ.

“Nôm na có thể áp dụng theo công thức 3-5-7, tức mỗi ngày cố gắng tập luyện tối thiểu 30 phút, tập 5 ngày trong tuần. Nhưng lưu ý cường độ tập, với mùa mát, phải tập toát mồ hôi mới đủ lượng, nếu chỉ đi bộ 30 phút lững thững thì không có hiệu quả phòng ung thư hay các bệnh tim mạch”, GS Thuấn nhấn mạnh.

Theo Giám đốc Bệnh viện K, thực tế hiện nay có rất nhiều người bỏ số tiền lớn để uống thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ dưỡng, các loại nấm, sâm... hàng ngày với hy vọng có thể ngừa được ung thư. Tuy nhiên có những thứ hiệu quả nhất như bỏ thuốc lá, dinh dưỡng rẻ có tác dụng ngừa ung thư, thể dục thể thao lại không áp dụng.

“Bỏ thuốc lá không chỉ nâng cao sức khoẻ cho chính bản thân mình mà còn bảo vệ cả những người xung quanh. Nhiều phụ nữ mắc ung thư phổi chính là do hút thuốc lá bị động", GS Thuấn nói.

GS Thuấn nhận định, trong tương lai, các bệnh không lây nhiễm sẽ tiếp tục gia tăng tại Việt Nam, trong đó tỉ lệ mắc ung thư sẽ ngày càng nhiều. Do đó, để dự phòng ung thư, công tác sàng lọc, phát hiện sớm đóng vai trò quan trọng nhất, nhất là khi hầu hết bệnh nhân ung thư ở Việt Nam đều đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, chữa trị hết sức khó khăn.

“Ung thư không đáng sợ như chúng ta thường nghĩ. Ung thư có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng phương pháp. Nhiều nước trên thế giới thường khuyến cáo người dân khám sức khoẻ tối thiểu 1-2 lần/năm để phát hiện nhiều bệnh, trong đó có ung thư. Với một số đối tượng có nguy cơ cao, có thể tầm soát dày hơn và sớm hơn”, GS Thuấn khuyến cáo.

Nhận xét