Chị Vũ Minh Hằng (28 tuổi, Hải Phòng) đã có hai con, chị thực hiện kế hoạch bằng cách uống thuốc tránh thai hàng ngày loại kết hợp vỉ 28 viên. Tuy nhiên, chị đã uống hết 28 viên nhưng chưa thấy có kinh nguyệt.
Chị Hằng rất băn khoăn không biết có nên uống vỉ tiếp theo hay đợi khi có kinh nguyệt mới uống thuốc. Hơn nữa, khi uống thuốc chị có cảm giác hơi chóng mặt, vì thuốc chị tự đi mua chứ không do bác sỹ kê đơn.
Với một số người, sau khi uống thuốc sẽ có một số tác dụng phụ như buồn nôn hoặc nôn; co thắt dạ dày hoặc đầy hơi, tiêu chảy...
Lời khuyên của bác sĩ
Bác sĩ sản khoa Lê Huy Tuấn (Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Hà Nội), cho biết, thuốc tránh thai hàng ngày loại kết hợp là thuốc chứa 2 loại nội tiết là estrogen và progestin. Tùy các hãng sản xuất khác nhau mà người ta có thể đóng vỉ có 21 viên hoặc vỉ có 28 viên, cả hai loại này đều giống nhau ở 21 viên đầu tiên, đối với vỉ 28 viên thì 7 viên còn lại tức là viên thứ 22 đến 28 không có thuốc mà chỉ có tá dược hoặc thuốc bổ. Thuốc tránh thai kết hợp được sử dụng cho phụ nữ muốn sử dụng một biện pháp tránh thai tạm thời có hiệu quả cao.
Cơ chế tránh thai của thuốc là ức chế rụng trứng; thay đổi niêm mạc của tử cung, làm mỏng niêm mạc tử cung để ngăn ngừa thai nhi phát triển; làm đặc chất nhầy ở cổ tử cung để ngăn chặn tinh trùng xâm nhập di chuyển vào buồng tử cung, vòi trứng.
Đối với vỉ 21 viên thì uống viên đầu tiên bắt đầu khi hành kinh và uống liên tục mỗi ngày 1 viên vào thời gian nhất định để khỏi quên. Khi uống hết 21 viên thì nghỉ 7 ngày sau đó uống sang vỉ sau luôn mà không cần quan tâm đến ngày hành kinh.
Đối với vỉ 28 viên cũng uống viên đầu tiên vào ngày bắt đầu hành kinh và uống liên tục mỗi ngày một viên vào khoảng thời gian nhất định, uống hết 28 viên thì uống kế sang vỉ sau luôn mà cũng không cần quan tâm đến ngày hành kinh. Tốt nhất, nên uống thuốc vào buổi sáng, để trong trường hợp quên thuốc thì có thể uống bù một viên vào buổi chiều hoặc tối cùng ngày. Thuốc có thể uống cùng hoặc xa bữa ăn và cần nuốt nguyên viên, có thể sử dụng đồ uống phù hợp.
Đối với một số người, sau khi uống thuốc sẽ có một số tác dụng phụ như buồn nôn hoặc nôn; co thắt dạ dày hoặc đầy hơi; tiêu chảy, táo bón; tăng hoặc giảm cảm giác ngon miệng; tăng cân hoặc giảm cân; sạm da, mụn trứng cá; lông, tóc tăng trưởng ở những nơi không bình thường; chảy máu hoặc ít máu giữa chu kỳ kinh nguyệt; thay đổi lượng kinh nguyệt; âm đạo bị kích ứng, sưng, đỏ, rát, hoặc ngứa… Một số tác dụng không mong muốn có thể thường gặp, không đòi hỏi phải ngừng sử dụng thuốc. Tuy vậy, có thể cần xem xét để đổi sang chế phẩm thuốc tránh thai khác cho phù hợp.
Trong một số trường hợp, người có các bệnh lý sau thì không dùng được thuốc tránh thai kết hợp: Có thai hoặc nghi ngờ có thai; đang cho con bú trong vòng 6 tuần sau sinh; trên 35 tuổi và hút thuốc thường xuyên trên 15 điếu/ngày; có nhiều nguy cơ bị bệnh mạch vành (lớn tuổi, hút thuốc lá, đái tháo đường và tăng huyết áp); tăng huyết áp nặng; đã hoặc đang bị bệnh lý tim mạch và đông máu; đau nửa đầu; đang bị ung thư vú; đái tháo đường có biến chứng (thận, thần kinh, võng mạc, mạch máu); đang bị lupus ban đỏ hệ thống và có kháng thể kháng phospholipid; đang bị bệnh gan nặng có suy giảm chức năng gan trầm trọng như viêm gan cấp đang diễn tiến, hoặc xơ gan...
Về trường hợp của chị Hằng, bác sĩ Tuấn cho hay, khi đã uống được hết vỉ 28 viên thì hãy uống luôn sang vỉ kế sau, triệu chứng hơi chóng mặt của chị có thể là do tác dụng phụ của thuốc nên không nhất thiết phải can thiệp có thể khi uống đến vỉ thứ 2 sẽ không còn triệu chứng này nữa. Bản thân chị cũngkhông có các bệnh lý trên nên hoàn toàn có thể dùng được thuốc tránh thai hàng ngày.
Nhận xét
Đăng nhận xét