Cách phòng tránh nhiễm H. Pylori

Gần đây, Người Đô Thị nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc về nguy cơ bị ung thư dạ dày do vi khuẩn H. Pylori gây ra. Cơn ám ảnh càng thường trực khi nghe tin một số nghệ sĩ qua đời do ung thư dạ dày. Để trả lời chung các thắc mắc, chúng tôi lược trích ý kiến chuyên môn của GS-TS-BS. Trần Thiện Trung (Khoa Tiêu hóa - Gan mật; Trưởng Cơ sở 2 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) cập nhật những khuyến cáo mới của y khoa về H.Pylori và ung thư dạ dày.


Nhiễm H. Pylori rất phổ biến

H. Pylori (Helicobacter Pylori) là một vi khuẩn hình xoắn ốc sống trong lớp niêm mạc lót mặt trong dạ dày người. Mặc dù các tế bào miễn dịch bình thường nhận biết và tấn công vi khuẩn xâm nhập tập trung gần các vị trí nhiễm H. Pylori, chúng vẫn không thể đi tới lớp niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, H. Pylori có nhiều cách cản trở các đáp ứng miễn dịch tại chỗ nên không thể thải trừ loại vi khuẩn này được.

H. Pylori được cho là lan truyền qua thức ăn, nước uống bị nhiễm và qua tiếp xúc trực tiếp miệng-miệng. Ở đa số dân, nhiễm vi khuẩn trước tiên là trẻ con, nhất là ở các xứ nghèo, sống chật chội và kém vệ sinh. H. Pylori đã cùng tồn tại với con người trong hàng ngàn năm, và sự lây nhiễm loại vi khuẩn này rất phổ biến. Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát và phòng bệnh Hoa Kỳ, có khoảng 2/3 dân số thế giới cho con vi khuẩn này ẩn náu, với tỷ lệ nhiễm cao hơn nhiều ở các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm H. Pylori trong dân số khoảng 80%. Trong 20 năm qua trên thế giới đã có nhiều công bố và cảnh báo nhiễm H. Pylori trong cùng gia đình, mà đặc biệt là chính cha mẹ hoặc ông bà là nguyên nhân chủ yếu lây truyền bệnh cho trẻ. Tỷ lệ nhiễm H. Pylori trong các biến chứng thủng do loét dạ dày - tá tràng ở Việt Nam và trên thế giới vào khoảng 80-100%.

Nhóm quan trọng gây ung thư dạ dày 

Mặc dù nhiễm H. Pylori không gây bệnh cho đa số người bị nhiễm, nó là yếu tố nguy cơ lớn cho bệnh viêm, loét dạ dày và chịu trách nhiệm về đa số các ổ loét ở dạ dày và đoạn trên của ruột non. Năm 1994, Cơ quan quốc tế Nghiên cứu ung thư và Tổ chức Y tế thế giới dựa trên các bằng chứng nghiên cứu dịch tễ học đã công nhận và xếp vi khuẩn H. Pylori vào nhóm 1 quan trọng gây bệnh ung thư dạ dày. Từ đấy, ngày càng có nhiều ý kiến công nhận sự cư trú của H. Pylori ở dạ dày là nguyên nhân quan trọng của ung thư dạ dày và của ung thư hạch bạch huyết của mô dạng lymphô kết hợp với niêm mạc dạ dày.


Nội soi là phương pháp tìm ra vi khuẩn H.Pylori với độ chuẩn xác cao và đánh giá chính xác tình trạng dạ dày. Minh họa: KAX

Trong bệnh ung thư dạ dày, tỷ lệ nhiễm H. Pylori khoảng 80% trường hợp. Ung thư dạ dày trước đây được coi là một thực thể duy nhất, nay các nhà khoa học chia ra làm hai lớp chính: ung thư tâm vị dạ dày (ung thư của in-sơ đầu tiên của dạ dày, nơi tiếp nối với thực quản) và ung thư dạ dày không phải tâm vị (ung thư ở tất cả các vùng còn lại của dạ dày).

Ung thư dạ dày là nguyên nhân đứng hàng thứ hai trong số các tử vong liên quan đến ung thư trên thế giới, làm chết khoảng 738.000 người năm 2008. Tỷ lệ ung thư dạ dày nói chung đang giảm. Sự thuyên giảm này chủ yếu của ung thư dạ dày không phải tâm vị. Ung thư tâm vị dạ dày trước đây rất hiếm gặp thì mấy thập niên gần đây đã tăng lên.

Nhiễm H. Pylori là nguyên nhân đầu tiên được xác định của ung thư dạ dày. Các yếu tố nguy cơ khác, gồm: viêm dạ dày mạn tính, tuổi già, nam giới; ăn nhiều muối, hút thuốc, dùng thức ăn bảo quản tồi tệ, ăn ít hoa quả và rau, củ; bệnh thiếu máu ác tính, đã mổ dạ dày trước đó vì các bệnh lành tính, trong gia đình có người bị ung thư dạ dày...

Khi bị nhiễm H. Pylori gây ra bệnh viêm, loét và có thể cả ung thư dạ dày, người bệnh có các biểu hiện khác nhau: ăn vào cảm giác nóng bụng, đầy hơi, khó tiêu, ợ hơi, cảm giác khó thở (khám tim mạch và hô hấp bình thường). Người bệnh có các rối loạn tiêu hóa khác như đi tiêu phân sống, tiêu chảy, có thể tê chân tay, đau đầu, hơi thở có mùi hôi đặc trưng. Khi kèm theo triệu chứng trào ngược dịch vị từ dạ dày lên miệng, người bệnh có thể bị viêm họng do trào ngược, sâu răng...

Ai phải chẩn đoán tìm H. Pylori và điều trị?

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng bệnh Hoa Kỳ, người có các ổ loét hoạt động của dạ dày và tá tràng hoặc có bằng chứng trước đó về loét đều phải xét nghiệm tìm H. Pylori, và nếu bị nhiễm thì phải điều trị. Xét nghiệm và điều trị H. Pylori cũng được khuyến cáo sau cắt ung thư dạ dày sớm và cho ung thư hạch MALT dạ dày cấp độ thấp. Tuy nhiên, đa số các chuyên gia đều đồng ý là bằng chứng hiện có không ủng hộ việc xét nghiệm tìm và điều trị tiệt trừ nhiễm H. Pylori một cách tràn lan.

Hiện nay việc điều trị H. Pylori hết sức khó khăn do tỷ lệ kháng các thuốc kháng sinh đang gia tăng đến mức báo động, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. 

Tỷ lệ nhiễm H. Pylori thay đổi theo từng nước, từng giai đoạn, và chỉ định điều trị cũng thay đổi theo từng giai đoạn khác nhau. Theo đồng thuận của các hội nghị tiêu hóa ở Việt Nam và trên thế giới nhiều năm qua, chỉ định điều trị tiệt trừ H. Pylori được coi là cần thiết cho trẻ em và người lớn bị viêm, loét dạ dày - tá tràng với H. Pylori dương tính, và cho những người H. Pylori dương tính trong gia đình có người bị ung thư dạ dày.

Điều trị tiệt trừ H. Pylori thành công (theo các nghiên cứu trên thế giới, đáng chú ý là các nghiên cứu ở Nhật Bản và Trung Quốc từ hơn 10 năm trước) cho thấy tỷ lệ ung thư dạ dày giảm có ý nghĩa so với những người điều trị tiệt trừ nhưng thất bại.

Việc chẩn đoán bệnh cho trẻ em cần dùng các xét nghiệm ít xâm hại như hơi thở, huyết thanh, thử phân…, khi cần thiết và ở trẻ lớn, có thể nội soi gây mê. Ở một số bệnh nhân nặng, phải được nội soi để có thể chẩn đoán chính xác nhằm tránh bỏ sót ung thư dạ dày trước khi điều trị.

Cách phòng tránh nhiễm H. Pylori

Kể từ khi tìm ra vi khuẩn H. Pylori, năm 1982, do hai nhà khoa học người Úc là Warren và Marshall (nhận giải Nobel về y học và sinh lý học năm 2005), người ta càng nhận rõ vai trò quan trọng của H. Pylori gây ra bệnh viêm, loét và có thể cả ung thư dạ dày.

Thế giới đang tập trung vào nghiên cứu nhằm tìm ra vắcxin phòng ngừa H. Pylori. Khi chưa có vắcxin phòng ngừa lây nhiễm và kể cả tái nhiễm sau điều trị H. Pylori, mọi người cần chú ý: ăn chín (ăn nhiều rau, trái cây; hạn chế ăn mặn, thịt cá hun khói, thức ăn lên men, thức ăn bảo quản bằng hóa chất không rõ nguồn gốc...); uống sạch (nên đun sôi nước; nước trà giúp nhuận trường; bia, rượu vang tốt cho sức khỏe và tim mạch nếu uống vừa phải...).

Nên dọn mỗi người một phần ăn riêng, mỗi người một chén nước chấm riêng với muỗng, nĩa riêng và một đôi đũa chung để gắp và lấy thức ăn. Nên bỏ cách dùng đũa đang ăn (miệng mỗi người có thể đang bị viêm họng, sâu răng, lao phổi, dịch dạ dày có H. Pylori do trào ngược…) gắp thức ăn cho người khác. Ông bà, cha mẹ không được nhai cơm nát để “mớm” cho trẻ nhỏ, không được thổi trực tiếp hoặc nếm và cho cháu ăn…

Cần lưu ý bệnh nhân nếu tiếp tục để lây bệnh thì khả năng chữa khỏi rất thấp. Hiện nay việc điều trị H. Pylori hết sức khó khăn do tỷ lệ kháng các thuốc kháng sinh đang gia tăng đến mức báo động, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Nhận xét