Giám định ADN hiệu quả từ một công trình

Bất kể ngày hay đêm, trong mọi điều kiện thời tiết, nơi nào xảy ra “án” là nơi đó có sự xuất hiện của lực lượng kỹ thuật hình sự (KTHS). Là một trong những lực lượng có mặt sớm nhất tại hiện trường vụ án, bộ phận giám định gen, phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh đã khiến “những dấu vết phải lên tiếng”, trở thành chứng cứ quan trọng khiến tội phạm cúi hàng, góp phần không nhỏ vào những chiến công, thành tích của công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.


Thiếu tá Nguyễn Khắc Đông, Phó Đội trưởng Đội khám nghiệm hiện trường và pháp y sinh vật thực hiện quy trình giám định ADN của một vụ án

Ý tưởng hình thành từ một vụ trọng án

Vào ngày 31/3/2012, nhân dân phát hiện 01 tử thi đã bị đốt cháy tại khu vực hố rác ven đường Quốc lộ 279 khu vực dốc Thác Đỉnh, thuộc thôn Tân Lập, xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh và đã báo cho lực lượng Công an Quảng Ninh. Xác định đây là một vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Đại tá Phạm Văn Nhữ, nguyên trưởng phòng Kỹ thuật hình sự cùng với các lực lượng chức năng ngay lập tức có mặt tiến hành khám nghiệm hiện trường. Quá trình khám nghiệm kết luận nạn nhân là nam giới, bị giết chết ở nơi khác sau đó được mang đến đây đốt xác phi tang, không có khả năng nhận dạng. Vấn đề đặt ra phải nhanh chóng xác định tung tích nạn nhân. Quá trình khám nghiệm đã thu mẫu ADN của nạn nhân. Bằng các biện pháp nghiệp vụ và công tác giám định ADN đã xác định xác định nạn nhân là Hà Văn Trọng, sinh năm 1978, trú tại tổ 12, khu 2, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Từ kết quả đó, tiến hành rà soát các mối quan hệ của Hà Văn Trọng thấy nổi lên đối tượng Vũ Văn Thắng, SN 1967, ở tổ 2b, khu 1, phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long là “bạn nghiện” của Trọng.
 Mẫu vật giám định được bảo quản nghiêm ngặt, đảm bảo đảm bảo kết quả giám định gen chính xác, khách quan

Tiến hành khám xét nhà Thắng phát hiện nhiều dấu vết có liên quan đến hành vi phạm tội như dấu vết máu trên con dao, dấu vết máu trên nền nhà, dấu vết cắt trên dây ăng ten, dấu vết đường vân trên cốc uống nước. Lực lượng KTHS tiến hành thu, giám định dấu vết vật chứng thu tại nhà Thắng kết luận: trên con dao và trên nền nhà có máu của anh Trọng, dây ăng ten tại hiện trường phát hiện cạnh xác anh Trọng được cắt từ dây ăng ten nhà Thắng, dấu vết đường vân trên cốc nước trong nhà Thắng là của Thắng, Trọng và Đào Thị Lan Anh, sinh năm 1986, trú tại tổ 6, khu 2, phường Yết Kiêu, thành phố Hạ Long, là bạn gái của Thắng. Từ kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, giám định ADN giúp cơ quan điều tra có cở sở khoa học khẳng định anh Trọng bị giết tại nhà Vũ Văn Thắng, đối tượng gây án là Vũ Văn Thắng, Đào Thị Lan Anh là người có liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, tại thời điểm đó Thắng và Lan Anh đã bỏ trốn.

Thượng tá Nguyễn Hồng Hải, Phó trưởng phòng Kỹ thuật Hình sự, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trong vụ án này, do địa phương chưa triển khai giám định Gen (ADN) nên việc giám định phải gửi lên Viện khoa học hình sự, do vậy 5 ngày sau khi phát hiện nạn nhân mới có kết quả giám định ADN xác định danh tính nạn nhân. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình điều tra vụ án, tạo điều kiện để đối tượng có thời gian bỏ trốn, trong thời gian chờ kết quả giám định ADN, đối tượng Thắng và Lan Anh đã bỏ trốn sang Trung Quốc, gây khó khăn cho công tác truy bắt.

Nhận thấy rõ tầm quan trọng của công tác giám định Gen trong đấu tranh phòng chống tội phạm, sau một thời gian dài nhen nhóm ý tưởng, Đại tá Phạm Văn Nhữ, nguyên trưởng phòng Kỹ thuật hình sự cùng tập thể lãnh đạo và CBCS trong đơn vị đã quyết tâm tham mưu Giám đốc Công an tỉnh xây dựng dự án trang bị phương tiện triển khai giám định Gen phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Dự án được Hội đồng khoa học tỉnh nghiệm thu trình UBND tỉnh duyệt cho triển khai hoàn thành trong năm 2016. Năm 2017, giám định gen được triển khai tại Công an tỉnh Quảng Ninh.

Hiệu quả từ một công trình

Đến bộ phận giám định sinh học, phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Quảng Ninh vào một buổi chiều ngày thứ 7, phòng giám định có không gian khá lớn với trang thiết bị hiện đại, tiếp chúng tôi, thiếu tá Nguyễn Khắc Đông, Đội phó Đội Khám nghiệm hiện trường và giám định pháp y sinh vật, tổ trưởng tổ giám định gen chia sẻ: Từ khi triển khai giám định gen đến nay, Phòng Kỹ thuật hình sự đã phân tích giám định trên 3.000 mẫu ADN các loại, cung cấp chứng cứ khoa học cho nhiều vụ án, trong đó có những vụ dấu vết ADN là chứng cứ duy nhất như các vụ giết người, hiếp dâm, cưỡng dâm.... Có những vụ qua giám định ADN phát hiện ra nhóm đối tượng thực hiện nhiều vụ trộm cắp tài sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian dài như vụ trộm cắp tài sản xảy ra ngày 24/10/2017, tại nhà chị Trần Thị T, phường Hồng Hải, TP Hạ Long, kẻ gian đột nhập đục phá két, lấy đi tài sản trị giá hơn 4 tỷ đồng. Quá trình khám nghiệm hiện trường đã thu giữ, phân tích được nhiều dấu vết ADN tại hiện trường trong đó có dấu vết thu trên quả thanh long đang ăn dở nghi là của đối tượng gây án. Qua sàng lọc nhiều đối tượng nghi vấn chưa xác định được đối tượng để lại dấu vết ADN trên.

Thực nghiệm hiện trường vụ án Phạm Văn Cửu trộm cắp tài sản

Vụ án tưởng chừng như đi vào bế tắc thì gần 1 năm sau, ngày 08/8/2018, một vụ trộm với hình thức tương tự xảy ra tại phường Cẩm Bình, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh gây thiệt hại cho gia chủ gần 4 tỷ đồng. Quá trình điều tra, cơ quan công an thu giữ một số mẫu vật phục vụ công tác giám định như đầu mẩu thuốc lá, vỏ chai nước, hình ngón tay trên tủ trong phòng ngủ...

Bằng phương pháp giám định gen, Phòng Kỹ thuật hình sự xác định các dấu vết để lại hiện trường cho thấy có 2 đối tượng khác nhau, so sánh với mẫu kiểu gen phân tích được từ dấu vết thu trên quả thanh long tại nhà chị T vào ngày 24/10/2017 và kiểu gen phân tích được từ dấu vết trên vỏ chai nước thu được trong vụ trộm cắp ngày 08/8/2018 tại TP Cẩm Phả là của 1 đối tượng.

Với các thiết bị, máy móc hiện đại, công tác giám định gen đòi hỏi CBCS phải cẩn trọng, tỉ mỉ,
thường xuyên đào sâu, nghiên cứu, học hỏi từ nhiều nguồn thông tin

Bằng các biện pháp nghiệp vụ và chứng cứ thu thập được, cơ quan CSĐT xác định đối tượng gây ra các vụ việc trên chính là Phạm Văn Cửu, sinh năm 1986, trú tại huyện Đông Hưng, tỉnh thái Bình. Thiếu tá Nguyễn Khắc Đông đã chủ động đề xuất với cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh tiến hành thu mẫu tế bào của đối tượng, kết quả giám định đã xác định được kiểu gen ADN, khẳng định chính xác Phạm Văn Cửu là hung thủ gây án để lại dấu vết tại hiện trường.

Tại cơ quan công an, với những bằng chứng không thể chối cãi, Phạm Văn Cửu đã cúi đầu nhận tội, khai nhận cùng đồng bọn là Nguyễn Quang Nguyên, sinh năm 1986 và Nguyễn Công Hoan, sinh năm 1995, cùng trú tại tỉnh Thái Bình đã thực hiện nhiều vụ trộm cắp tài sản trị giá lên đến gần 14 tỷ đồng.

Thiếu tá Nguyễn Khắc Đông, Phó Đội trưởng Đội Khám nghiệm hiện trường và giám định pháp y sinh vật, người trực tiếp thực hiện các vụ việc giám định ADN chia sẻ: Hiện nay, Công an tỉnh Quảng Ninh được trang bị phương tiện, máy móc phục vụ công tác giám định gen hiện đại hàng đầu thế giới, tuy nhiên hiện nay nhân lực ít, khối lượng công việc lớn, nhiều trường hợp giám định phức tạp, yêu cầu giám định cần chặt chẽ, chính xác, đòi hỏi CBCS làm công tác giám định gen phải cẩn trọng, tỉ mỉ, thường xuyên đào sâu, nghiên cứu, học hỏi từ nhiều nguồn thông tin để vận hành tốt hệ thống giám định adn, góp phần phục vụ hiệu quả công tác điều tra, không bỏ lọt tội phạm.

Các mẫu vật được niêm phong chặt chẽ trước khi tiến hành giám định.

Không chỉ phục vụ hiệu quả trong các vụ trọng án hình sự, công tác giám định ADN góp phần không nhỏ trong việc xác định phương tiện gây tai nạn chết người bỏ trốn tại hiện trường. Điển hình là vụ tai nạn giao thông xảy ra trên quốc lộ 18A thuộc khu Đồn Điền, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long làm con anh Bùi Hảo D tử vong tai hiện trường. Xe ô tô gây tai nạn sau khi chèn qua cháu bé đã bỏ chạy. Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra xác định xe ô tô đầu kéo BKS 15C-22416 do Đặng Như Chiến, trú tại xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng điều khiển là xe gây tai nạn. Tại cơ quan công an, Đặng Như Chiến khẳng định không gây ra vụ tai nạn trên. Tiến hành khám xe ô tô của Đặng Như Chiến thấy xe đã được rửa sạch, trên má lốp bên trái xe có dấu vết nghi là máu. Qua phân tích giám định ADN kết luận dấu vết thu trên lốp bên trái xe ô tô do Đặng Như Chiến điều khiển là máu của nạn nhân vụ trong vụ tai nạn. Từ kết quả giám định, qua đấu tranh, Đặng Như Chiến đã phải thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Quảng Ninh là tỉnh có địa hình phức tạp, hàng năm phát hiện nhiều xác chết không rõ tung tích, nhiều trường hợp xác chết trên biển đã bị phân hủy không có khả năng nhận dạng, thậm chí chỉ còn trơ xương. Để xác định tung tích nạn nhân, các giám định viên phòng Kỹ thuật hình sự đã không ngừng nghiên cứu tài liệu, học hỏi những giám định viên của Viện khoa học hình sự đã áp dụng thành công việc tách gen từ răng xương, đây là phương pháp kỹ thuật khó, hóa chất phân tích độc hại, mức độ lây nhiễm mẫu vật cao mà ít địa phương làm được, phục vụ hiệu quả công tác truy tìm tung tích nạn nhân chính xác, nhanh chóng.

Có thể nói, với những cố gắng không ngừng nghỉ của tập thể lãnh đạo và giám định viên phòng Kỹ thuật hình sự, công tác giám định ADN tại Quảng Ninh đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, làm rõ hàng trăm vụ án lớn, nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, góp phần vào những chiến công vinh quang trong thầm lặng của tập thể, cán bộ, chiến sỹ, kỹ thuật viên Phòng Kỹ thuật Hình sự, đáp ứng tốt yêu cầu công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn./.

Nhận xét