Không phải con tôi thì tôi có quyền yêu cầu không trợ cấp được không ?

 Nghi ngờ con chung không phải con của mình thì có quyền xét nghiệm adn khi ly hôn không ? Mức trợ cấp tiền nuôi con và các vướng mắc khác khi ly hôn sẽ được luật sư tư vấn cụ thể:


Có được yêu cầu xét nghiệm ADN của con sau khi ly hôn không ?

Thưa luật sư, xin luật su tư vấn giúp tôi vấn đề sau : Tôi và vợ tôi vừa mới ly hôn tự nguyện xong ( đã có giấy quyết định tại toà án), lúc đầu vợ tôi tự nguyện nhận nuôi con (3 tuổi) và không nhận trợ cấp từ tôi. Nhưng sau đó cô ấy thay đổi muốn tôi cấp dưỡng hàng tháng, nay tôi đang thất nghiệp (đang nhận tiền thất nghiệp hàng tháng) ở nhà thuê và chăm sóc Mẹ già đang bệnh.

Vậy tôi có quyền từ chối cấp dưỡng hay không, đồng thời tôi muốn yêu cầu được xét nghiệm ADN con tôi được không (vì lúc đầu tôi đã nghi ngờ không phải con ruột của minh).

-Nếu đó không phải con tôi thì tôi có quyền yêu cầu không trợ cấp được không ?

-Còn nếu đúng là con ruột thì tôi phải trợ cấp bao nhiêu trong điều kiện hoàn cảnh của tôi như bây giờ (nếu tôi và vợ không thoả thuận được mức trợ cấp) ?

Xin luật sư tư vấn giúp tôi, xin chân thành cảm ơn !




Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật Minh Khuê. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Vấn đề cấp dưỡng:

Điều 82,83 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy đinh về quyền và nghiã vụ của bố mẹ đối với con sau khi ly hôn như sau:

"Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Điều 83. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.".

Theo đó, cấp dưỡng là nghĩa vụ bắt buộc của cha, mẹ - người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Bên trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu bên còn lại thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên, theo thông tin bạn cung cấp, bạn đang thất nghiệp, ở vào tình trạng kinh tế khó khăn. Vấn đề này, điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

"Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết."

Như vậy, bạn có thể thỏa thuận với người vợ cũ về nghĩa vụ cấp dưỡng do bạn đang ở vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu không thỏa thuận được vấn đề này có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Về mức cấp dưỡng, Luật hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định như sau:

“Điều 116. Mức cấp dưỡng

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Theo đó, mức cấp dưỡng sẽ do hai bên tự thỏa thuận, nếu không tự thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Vấn đề giám định ADN đối với con:

Tại Khoản 2 Điều 89, luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định về việc xác định con như sau:

“2. Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình.”

Bạn có thể gửi đơn yêu cầu Tòa án xác nhận lại quan hệ cha con. Về nguyên tắc, nếu muốn xác nhận một người không phải là con mình thì bạn phải cung cấp chứng cứ theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cần thiết thì phải giám định gien. Người có yêu cầu giám định gien phải nộp lệ phí giám định gien.Bạn không nên tự đi giám định ADN bởi việc giám định do bạn tự thực hiện sẽ không được coi là đúng với trình tự thu thập chứng cứ nên chứng cứ không được chấp nhận là hợp pháp.

Khi đã có quyết định chính xác của Tòa án về việc cháu bé không phải con bạn thì bạn mới không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng do vợ cũ yêu cầu. Nếu đó là con bạn thì đương nhiên bạn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dương khi không trực tiếp nuôi con.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Nhận xét