Trụ trì cùng người dân và chính quyền vào hầm để hũ tro cốt kiểm tra

 Trước việc Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang 2 hứa sẽ giám định ADN những hũ cốt mà không thể nhận dạng được khi không còn ảnh bài vị và tên, nhiều người thân cũng lo lắng, thắc mắc liệu có thể xét nghiệm ADN để xác minh nhân thân thông qua tro, cốt người đã khuất?


Nhiều người dân chỉ tìm được bài vị của người thân mà không tìm được hũ cốt

Không ngừng hy vọng

Liên quan vụ việc chùa Kỳ Quang 2 (Q.Gò Vấp, TP.HCM) trong lúc sửa chữa đã di dời vị trí, làm tróc hình các hũ cốt đặt tại hầm, kết quả kiểm tra xác định có 473 hũ cốt không bài vị, hình ảnh. 

Người dân yêu cầu phía chùa xác minh ADN tất cả các hũ cốt và trao trả cho gia đình trong khoảng thời gian từ 3 - 6 tháng. Trụ trì chùa cũng đã hứa giám định ADN các hũ tro cốt bị tróc hình, hoặc những hũ cốt mà thân nhân gia đình không thể nhận dạng được bằng mắt thường. 

“Xét nghiệm ADN có thể không khả thi nhưng đó là một trong những phương án lúc này để thúc giục phía chùa và cơ quan chức năng giải quyết vụ việc. Sẽ kiểm tra từng hũ cốt với hy vọng còn lại mẩu xương, răng nếu không có sẽ nhận diện theo phương án khác”, một người có liên quan cho biết.



Trụ trì cùng người dân và chính quyền vào hầm để hũ tro cốt kiểm tra

Bà Nguyễn Thị Minh Thanh (63 tuổi) hiện đang gửi tro cốt của chồng tại chùa Kỳ Quang 2. Bà cho biết chồng bà mất năm 1999. Sau đó, bà mua đất và an táng tại chùa, đến khoảng năm 2015, theo quy định của chùa, bà phải thực hiện hỏa táng chồng vì khu vực này gần khu dân cư sinh sống. Sau khi hỏa táng, bà tiếp tục gửi tro cốt của chồng tại chùa đến nay.

Bà Thanh bức xúc kể: "Sau khi hỏa táng, bên nhà chùa đưa bình tro cốt chồng tôi về, tôi chỉ được nhìn hũ cốt và có dán ảnh bên ngoài chứ không rõ bên trong thế nào. Hôm qua tôi có đến chùa xem mà hầm đã bị niêm phong mất với lại mọi hũ cốt đều có hình dạng như nhau, không có thông tin ảnh hay tên thì tôi có lo bao nhiêu cũng không tìm được".

Chị Phạm Thị Hồng Hạnh (35 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã gửi 2 hũ cốt của người thân là mẹ chồng và bố chồng tại chùa Kỳ Quang 2. "Mẹ chồng mình mất năm 1993, khi đó gia đình mình mua đất và an táng bà trong chùa. Sau đó chùa yêu cầu bốc lên thiêu và đem về trong chùa. Ba chồng mình mất cách đây 2 năm. Hôm qua nghe tin mình chạy lên thì hầm đã niêm phong rồi, nên mình không thể thấy được gì nữa. Người thân mình có đến thì được đi vào thấy được hình và bài vị của ba, còn hình bài vị của mẹ thì không thấy".



Người dân yêu cầu phương án xét nghiệm ADN tại buổi họp đối chất

Cũng bức xúc như nhiều người gửi tro cốt người thân tại chùa Kỳ Quang 2, chị Hạnh cho biết hũ cốt của ba, mẹ chồng chị sau khi thiêu đã được đóng kín đưa vào hũ nên chị không biết bên trong thế nào. Bên cạnh đó, vẻ ngoài của hũ cốt chị cũng cũng không còn nhớ rõ.

"Nếu hũ cốt không dịch chuyển mà chỉ gỡ bài vị thì mình sẽ nhớ hai hũ cốt nằm vị trí tòa sen nào và có thể sẽ nhận ra còn nếu hũ cốt đã bị xáo trộn thì mình không thể vì không có dấu hiệu nào nhận dạng. 

Gia đình mình giờ chỉ biết hy vọng vào phương án giám định ADN. Nếu phải thực hiện phương án cuối cùng là thủy táng tập thể thì cũng được nhưng rất hy vọng có thể giám định ADN", chị nói.

Nhận xét