Làm cách nào mà những nhà điều tra có khả năng nhận diện tên cướp chỉ thông qua một sợi tóc? Làm sao họ có thể biến chúng thành tang chứng để đưa hắn ra trước vành móng ngựa?
Nếu như bạn là fan hâm mộ thường xuyên theo dõi những bộ phim hình sự, hẳn bạn sẽ không còn xa lạ gì với cảnh tượng 1 tên cướp đột nhập vào căn hộ, vô tình để rơi lại một vài cọng tóc, và bất hạnh thay cho hắn, cọng tóc này lại trở thành một chứng cứ quý hơn vàng để tống hắn vào thẳng xà lim. Nhưng làm cách nào mà những nhà điều tra có khả năng nhận diện tên cướp chỉ thông qua một sợi tóc? Làm sao họ có thể biến chúng thành tang chứng đủ khả năng đưa hắn ra trước vành móng ngựa?
Câu trả lời nằm ở công nghệ nhận diện qua ADN. Không chỉ tồn tại trên phim ảnh, công nghệ này đã phát triển với tốc độ như vũ bão trong một vài thập kỷ trở lại đây. Bắt đầu từ năm 1985, khi Alec Jeffreys và cộng sự lần đầu tiên khám phá ra vai trò của ADN trong những cuộc điều tra tội phạm, và sau đó những bằng chứng dựa trên ADN ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn, không những trong việc nhận diện tội phạm, mà còn giúp những người vô tội thoát khỏi vòng lao lý. Vì sao ADN lại có khả năng nhận diện lớn đến vậy? Quay trở lại một chút với những bài giảng sinh học lớp 12: ADN của bạn được cấu trúc nên từ 4 loại nucleotide, và chính cách sắp xếp rất đa dạng của những nucleotide này làm cho ADN của bạn trở nên độc nhất vô nhị – nó chỉ có thể là của bạn chứ không phải của ai khác (chỉ trừ những trường hợp bạn có một người anh em song sinh nào đó).
Tất nhiên, việc bắt giữ một tên tội phạm nào đó thông qua sử dụng những chứng cứ ADN này không đơn giản như những gì bạn thấy trên phim ảnh. Hãy cùng đến với bước đầu tiên của công việc này- thu thập chứng cứ.
Thu thập chứng cứ
Từ nhiều năm nay, dấu vân tay đã trở thành một tiêu chuẩn vàng trong việc khởi tố một nhân vật nào đó. Nhưng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ ADN, ngai vàng này giờ đã thuộc về những bằng chứng ADN – vì dù cho những tên tội phạm này có cẩn thận đến mức nào đi chăng nữa, hắn cũng sẽ để lại một thứ gì đó ở lại hiện trường. Tóc, máu, da, mồ hôi, chất nhờn…, chỉ cần vài tế bào của hắn nằm lại hiện trường đã là quá đủ cho việc nhận diện.
Vì những lý do này, cơ quan chức năng luôn dành một sự quan tâm đặc biệt cho hiện trường vụ phạm tội. Nhân viên cảnh sát và các thám tử thường được theo sát bởi các kỹ thuật viên thu thập chứng cứ – để chắc chắn rằng những mẫu bằng chứng này không bị làm hỏng. Trong khi thu thập chứng cứ, họ cũng rất thận trọng, luôn né tránh đi qua những nơi có thể có sự hiện diện của những bằng chứng ADN. Họ cũng cực kỳ hạn chế việc chuyện trò, hắt hơi, ho, hay động chạm vào những vật ở hiện trường.
Những thứ sau thường sẽ là nguồn tìm kiếm ADN “ưa thích”:
1. Vũ khí: ví dụ như gậy gộc, rìu, dao…, nơi mà máu, mồ hôi, da… thường hiện diện.
2. Mũ hay mặt nạ: bạn có thể dễ dàng nhặt được vài sợi tóc, mồ hôi hay đơn giản chỉ là…gàu.
3. Bàn chải đánh răng, đầu lọc thuốc lá, chai uống dở, tem…, những nơi mà chắc chắn bạn sẽ tìm ra nước bọt của nghi phạm.
4. Khăn giấy hoặc bông tăm, có thể chứa chất nhầy, máu, mồ hôi hoặc ráy tai.
5. Một chiếc bao cao su đã qua sử dụng – địa điểm không thể hợp lý hơn cho việc tìm kiếm tinh trùng, dịch âm đạo, hay…. tế bào thành trực tràng.
6. Một chiếc dũa móng tay, nơi có thể chứa những tế bào vảy bong ra ngoài.
Khi các nhà điều tra đã tìm ra bằng chứng, họ sẽ đặt nó vào một chiếc túi giấy hoặc phong bì, không phải vào túi nhựa như những gì bạn thường thấy trên phim. Điều này rất quan trọng, vì túi nhựa luôn duy trì một độ ẩm hằng định, do đó các DNA có thể sẽ bị tổn thương. Mặt khác, ánh sáng mặt trời và nhiệt độ cũng có thể làm hỏng những bằng chứng này, do đó, chúng phải luôn được giữ ở một nhiệt độ hằng định (nhiệt độ phòng).
Cuối cùng, những chiếc túi này phải được dán nhãn, và trên nhãn bắt buộc phải có những thông tin sau: vật liệu, nơi nó được tìm thấy và nơi nó sẽ được chuyển đến. Đó là một chuỗi những thủ tục, đảm bảo cho mẫu bằng chứng có đầy đủ tính pháp lý khi chúng được di chuyển đi để bắt đầu tiến hành phân tích.
Phân tích chứng cứ
Từ hiện trường vụ án, những bằng chứng ADN này sẽ được chuyển đến những phòng thí nghiệm để bắt đầu tiến hành công việc phân tích ADN. Hãy cùng điểm qua những công nghệ phân tích thường được sử dụng.
Kỹ thuật Restriction fragment length polymorphism – RFLP (tạm dịch: phân tích đa hình chiều dài đoạn cắt giới hạn): là một trong những kỹ thuật đầu tiên được sử dụng trong việc phân tích ADN, nguyên lý cơ bản chủ yếu dựa trên việc phân tích chiều dài của các sợi ADN, bao gồm cả những cặp base được lặp đi lặp lại. Chiều dài của ADN trong bằng chứng thu thập sẽ được so sánh với một ADN mẫu. Và phương pháp này đòi hỏi mẫu chứng cứ phải hoàn toàn không bị nhiễm bẩn.
Kỹ thuật khảo sát STR (Short tandern repeat): tiến bộ lớn nhất của kỹ thuật này đó là việc đòi hỏi mẫu chứng cứ có kích thước nhỏ gọn hơn nhiều so với phương pháp trên. Mẫu ADN sẽ được khuyếch đại thông qua phương pháp PCR (polymerase chain reaction – tạm dịch: kỹ thuật khuyếch đại chuỗi). Một cách ngắn gọn, các kỹ thuật viên sẽ làm cho mẫu ADN ban đầu nhân lên theo đúng cách mà nó được nhân lên trong tự nhiên. Và sau đó, trình tự ADN này sẽ được so sánh với trình tự ADN mẫu, từ đó các nhà điều tra có thể nhận diện tên tội phạm.
Có thể thấy, điểm chung của hai phương pháp trên đó là mẫu chứng cứ phải được giữ nguyên vẹn. Tuy nhiên, không phải bao giờ sự đời cũng được như ý muốn, và khi đó, bạn sẽ cần đến những kỹ thuật phức tạp hơn.
Một trong những tình huống thường gặp là một vụ án có sự tham gia của nhiều đối tượng nam giới (rất thường gặp trong những vụ tấn công tình dục), và cách tốt nhất để giải quyết tình huống này là dựa vào kỹ thuật đánh dấu nhiễm sắc thể Y. Đúng như tên gọi của nó, kỹ thuật này sẽ chỉ tập trung vào việc phân tích những gen nằm trên nhiễm sắc thể Y. Vì nhiễm sắc thể Y chỉ có ở nam giới, do đó những gen trên nhiễm sắc thể này có thể được dùng để nhận dạng chính xác ADN nào thuộc về quý ông nào.
Một tình huống khác, khi những mẫu vật thu thập được lại là những bằng chứng sinh học kiểu như tóc, xương hay răng. Kỹ thuật RFLP hay STR sẽ không có giá trị trong trường hợp này, vì ADN trong những mẫu vật trên đã bị phân hủy, không còn nguyên vẹn. Do đó, những nhà điều tra sẽ cần đến kỹ thuật phân tích ADN ty thể. Thực tế, kỹ thuật này tỏ ra rất hữu dụng đối với những vụ án đã “đóng băng”: một vụ giết người, một vụ mất tích hay một cái chết không rõ nguyên nhân. Bằng chứng trong những vụ án này thường chỉ là những chứng cứ sinh học không hoàn chỉnh về cấu trúc ADN, hoặc do thời gian điều tra đã kéo dài dẫn đến việc các mẫu chứng cứ không được bảo quản tốt. Kỹ thuật phân tích ADN ty thể thực sự đã trở thành cứu cánh cho những nhà điều tra trong tình huống này, giúp họ phá án và tóm gọn hung thủ.
Đối chứng
Hãy cùng xem xét trường hợp đối tượng bị tình nghi đang có mặt tại đấy. Mọi chuyện trở nên thật đơn giản, bạn chỉ cần lấy một mẫu ADN của đối tượng, sau đó so sánh với mẫu ADN bạn đã thu thập được tại hiện trường.
>> Xem thêm: địa chỉ xét nghiệm adn tại hà nội
Nhận xét
Đăng nhận xét